25.2.07

TRỊNH BỬU HOÀI - NGUYỄN VÂN THIÊN -- Thơ từ An Giang & thơ TP.HCM.

TRỊNH BỬU HOÀI



+ Sinh năm 1952
tại Mỹ Đức, An Giang
Trước đây, ông công tác tại Hội Văn Nghệ Châu Đốc
Hiện là chủ tịch Hội văn học nghệ thuật tỉnh An Giang
Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, đảm nhiệm chức vụ Phó Ban công tác Hội nhà văn Việt Nam tại Đồng bằng sông Cửu Long.

+ Tác phẩm:
- Thơ tình mùa trăng
- Giữa hai mùa hẹn ước
- Lẽo đẽo bụi hồng
- Thơ tình bốn mùa
- Gửi một người phương xa
- Đưa bạn về Bắc Đuông
- Đêm ngủ dưới chân Ngự Bình
(Trịnh Bửu Hoài có trên 20 tập thơ, truyện dài đã xuất bản)


Trong những năm trước khi tôi bắt đầu “vào mạng” (tháng 4 HB5), hình như thỉnh thoảng tôi nhận được một tập thơ do chính nhà thơ Trịnh Bửu Hoài kí tặng, gửi qua đường bưu điện, mặc dù tôi chưa được hân hạnh gặp anh lần nào. Mỗi lần như thế, tôi đều có thư gửi cảm ơn anh, và tôi vẫn tin anh luôn mang trong ngực mình một trái tim rộng mở, ăm ắp chất hào phóng Nam bộ. Nhưng từ khi tôi “liều mạng” liên thông toàn cầu (internet) với những tác phẩm không được xuất bản chính thức trong nước, có lẽ anh không “dám” gửi thơ tặng như trước nữa, mặc dù trên “mạng” vẫn có thơ anh. Nói như vậy để thấy thơ của nhà thơ Trịnh Bửu Hoài, cho dù trên báo chí chính thống, trong sách in giấy hợp pháp, hay ở nơi chốn “ảo” không bị kiểm duyệt, vẫn không “nổi cộm” những thao thức chính trị, xã hội, những nỗi niềm của cuộc chiến tranh trên 130 năm dằng dặc. Thơ anh chỉ đậm tình người, đậm nhất là tình yêu đương, tình bạn và lòng yêu quý vùng đất quê nhà. Giọng thơ anh cũng góp phần làm nên và nuôi dưỡng phong cách Nam bộ hào sảng xưa kia.

Chiều nay, gõ phím vi tính lại một vài bài thơ của anh, tôi lại tìm tên anh trên các trang tìm kiếm của Google, NSN. (Live), Yahoo, mạn phép nhặt thêm đôi bài khác của anh, gộp lại, thầm đọc. Tôi vẫn tự trách mình chưa thật tận tâm, điều tôi vẫn thường quyết tâm như vậy, khi đọc thơ, để chọn ra những bài thơ tuyệt vời nhất của nhà thơ. Lúc này, tôi chọn những bài sẵn có, gõ phím những bài tác giả chọn làm tên chung cho cả tập! Thôi thì đành hứa với nhà thơ Trịnh Bửu Hoài một dịp khác.



Tiễn bạn

Tặng Trần Ngọc Mỹ

Ra đi đâu phải không về nữa
Mà khói hoàng hôn cay mắt nhau
Mà chiều như rụng theo chân bước
Và năng đường xa bỗng bạc màu

Ra đi còn hẹn ngày trở lại
Cứ ngoái đầu trông một nẻo quê
Hợp tan là lẽ đời dâu bể
Ly hương ôm mãi mộng quay về

Ra đi nào phải tan hình bóng
Mà quặn lòng đau đêm qua sông
Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp
Quê nhà một góc nhớ mênh mông

Ra đi hồn chở đầy cố xứ
Nặng oằn quê cũ một vầng trăng
Gió lạnh xứ người mau bạc tóc
Đêm dài ai uống rượu tri âm?

(Trong tập thơ: Nhiều tác giả [80], “Một chút mùa thu bay”,
Tủ sách Thi Ca, Văn Nghệ Châu Đốc, 1995, tr. 24).



Ngan ngát ngày xưa

Em xa rồi
Ơi hạt nắng mùa đông
Anh ở lại
Hoá sương trong vườn mộng
Lá vàng bay
Bâng khuâng chiều ảo vọng
Nhánh mai vàng
Chợt nở ở bên sông

(trong tập thơ Trịnh Bửu Hoài, “Ngan ngát ngày xưa”,
Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., 2005, tr. 5)



Từ bao giờ

Từ bao giờ
Anh đã nhớ em
Có phải
Từ nghìn mùa trăng nở
Có phải
Từ đêm nghe tiếng thở
Ru anh
Giấc ngủ ngọt mềm

Từ bao giờ
Anh đã cùng em
Đi trên trăm năm
Để về vô tận
Dù ta có
Một đời rất ngắn
Nhưng tình yêu
Đâu chỉ một đời

Từ bao giờ
Anh đã vì em
Bỏ tất cả
Những niềm vui riêng lẻ
Để có những đêm dài
Quạnh quẽ
Anh chiêm bao
Nghe tóc ấm vai mình

Từ bao giờ
Anh đã yêu em
Có phải
Từ bàn tay mềm mại
Có phải
Từ bờ môi vụng dại
Hay chỉ ánh mắt nhìn
Chín cả hồn nhau!

(trong tập thơ Trịnh Bửu Hoài, “Ngan ngát ngày xưa”,
Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., 2005, tr. 10-12 & thủ bút bìa 4)



Quê xa

Đã mấy năm rồi không về nữa
Cuối nẻo trời quê mây trắng bay
Đời ta như một hòn bi nhỏ
Cứ lăn đi trên những dốc dài

Quê người lạnh lắm những chiều đông
Dù cũng vầng trăng cũng nhánh sông
Nhà ai sợi khói bay như mỏng
Héo hắt lòng ta bếp lửa hồng

Mỗi một ngày qua thêm nỗi buồn
Đời mình như thể cánh chim muông
Ngẫm công có bổng bay viễn xứ
Giật mình, ngoảnh lại đã hoàng hôn

Mẹ ta như một bó lau trắng
Nhớ cảnh cò xa biết chốn nào
Tiếng ngoảy trâu khuya buồn đứt ruột
Nghe bước ta về trong chiêm bao

Cha ta như một tán cây quạnh
Tóc đã phai màu theo nắng mưa
Sớm tối cong lưng bên ngõ trúc
Thương con se sắt gió giao mùa

Ta lưu lạc hai bàn tay trắng
Nhớ quê hiu hắt những vần thơ
Đã mấy năm dù không về nữa
Sống ở quê người như giấc mơ

(http://www.cinet.gov.vn/vanhoa/Vanhoc/
vh-vietnam/tacgia/20/tho/thoBS12/h/trinhbuuhoai.htm)
(http://www.avsnonline.net/forum/viewtopic.php?p=
1802&sid=6b71827a4d734b5e898e3597f5068932)



Cánh phượng hồng thuở ấy

Chiều nay nhặt cánh phượng hồng bỗng nhớ
Dấu chân xưa ai để lại sân trường
Ta có một thời yêu không dám ngỏ
Ngày chia tay em chợt đẹp lạ thường

Bốn năm năm em vẫn làm kẻ lạ
Mỗi ngày chân em giẫm nát hồn tôi
Tôi như ngọn gió ngoài song cửa
Mang chút bụi buồn đi xa xôi

Có lúc hồn tôi bừng tỉnh ngộ
Em vẫn là em giữa mọi người
Hỡi ơi, ánh mắt vô cùng lặng
Mà ở trong tôi gió ngợp trời

Tôi với em chỉ là khoảng khắc
Nhưng tình yêu thì bất tận trong đời
Em cũng như muôn người con gái khác
Cớ vì sao môi cháy đỏ lòng tôi?

Chiều nay nhặt cánh phượng hồng bỗng tiếc
Mắt ai xưa chợt thức giữa sân trường
Tự trách mình chảng nói được yêu thương
Để bay mất cánh phượng hồng thuở ấy.

(http://vnthuquan.net/tho/tho.aspx?id=1701&thisi=Tr?nh%20B?u%20Hoài)


Sơn nữ

Mắt em là rượu cẩm
Cho môi say sắc đào
Anh mang hồn núi thẳm
Qua bờ sương chiêm bao

Chạm khẽ bàn tay ấm
Lòng rung đến ngàn sau
Đường đời anh muôn dặm
Em trở về rẻo cao

Hai phương trời quan tái
Biết bao giờ gặp nhau
Đêm đồng bằng khắc khoải
Nhớ núi nhìn trăng sao

Anh trông về nơi ấy
Mây bay trắng lưng trời
Núi cao đâu không thấy
Lạnh lùng hạt sương rơi

Em có ngồi như đá
Hồn gởi tận nơi đâu
Đời người như cánh lá
Xanh mãi cội tình đầu

Em như rừng như suối
Anh như gần như xa
Em như đèo như núi
Anh một lần đi qua

Anh có còn trở lại
Rừng già lá hóa sương
Em hồn nhiên mãi mãi
Nghìn năm chờ trong sương.

Tam Đảo, 9-3-04

(trong tập thơ Trịnh Bửu Hoài, “Ngan ngát ngày xưa”,
Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., 2005, tr. 7-9)
(http://www3.thanhnien.com.vn/Vanhoa/Vanhoc/2005/9/11/122018.tno)


Trịnh Bửu Hoài





NGUYỄN VÂN THIÊN

+ Tên thật: Nguyễn Văn Thiện
Ra đời vào năm 1954
Nguyên quán: Quảng Nam

+ Tác phẩm: Điếu thuốc, cây nến và que diêm (Nxb. Đồng Nai, 1996)



Đề từ cho tập thơ *

Điếu thuốc như gã bụi đời ăn chơi tự tử
Cây nến giống nhà tu hành khổ hạnh hy sinh
Cả hai đều tự đốt mình
Nhưng đều gì xảy ra nếu diêm không bật lửa?!

* Đầu đề TXA. tạm đặt.
(Trong tập thơ Nguyễn Vân Thiên, “Điếu thuốc, cây nến và que diêm”,
Nxb. Đồng Nai, 1996, tr. 5)



Cây đòn gánh

Lưng cây đòn gánh mòn trơn
Lời tre khô nhắc công ơn mẹ già

Chợ chiều chợ sớm bôn ba
Hái gieo tất bật đồng xa đồng gần
Bán than mua muối tảo tần
Bao lần xuống biển bao lần lên non
Da xương bào cật tre mòn
Trăm năm mẹ gánh đời con qua đèo
Gánh yêu thương, gánh khổ nghèo
Gánh mơ ước lẫn gieo neo đi - về…
Gánh bình minh lội bến quê
Gánh hoàng hôn dọc chân đê bước dồn
Gánh trăng khuya giếng đầu thôn
Gánh than lửa chạy qua cồn cát trưa…
Một đời gánh nắng và mưa
Mòn vai mà mẹ vẫn chưa yên lòng
Một đời gióng đứt đòn cong
Vì ai vai lệch lưng còng? Mẹ ơi!

(Trong tập thơ Nguyễn Vân Thiên, “Điếu thuốc, cây nến và que diêm”,
Nxb. Đồng Nai, 1996, tr. 48-49)

(Trong tập: Nhiều tác giả, “Những ngả đường thơ”,
Hội Nhà văn TP.HCM. – Nxb. Trẻ, 2002, tr. 149)



Cây đinh

Đôi bờ sông sâu
Ai qua cầu
Thương cây đinh vô danh
Âm thầm ghép ván (?)

Xem tranh khen tài người vẽ
Ai nhớ cây đinh nhỏ nhoi lặng lẽ
Ghép tranh treo tiếp nhận mặt trời (?)

Có cây đinh qua tay quỷ dữ
Treo đời Thánh Nhân lên thập tự
Lại được tôn thờ cùng với Thánh Nhân (!)

Giữa đôi bờ vô danh - thần tượng
Xin đóng đinh đời treo nửa câu thơ.

(Trong tập thơ Nguyễn Vân Thiên, “Điếu thuốc, cây nến và que diêm”,
Nxb. Đồng Nai, 1996, tr. 7)

(Trong tập: Nhiều tác giả, “Những ngả đường thơ”,
Hội Nhà văn TP.HCM. – Nxb. Trẻ, 2002, tr. 152)



Chia Xa

Tình học trò mong manh giấy vở
Trang thương trang nhớ ghép chung tờ
Ai đem tình chia hai thương nhớ?
Để tim mình nhói buốt nửa câu thơ?

Lần cuối trường tan, cổng trường sao khép vội?
Chia hai phần đời: Hè phố - sân chơi
Lần cuối chia tay, cầm tay nhau bối rối
Bỗng hai lối chia xa, chưa kịp nói nửa lời

Người vội về, sợ chiều mưa ướt tóc
Mưa không về, sao ướt mắt nâu thương?
Ta thơ thẩn đường xưa nghe lá khóc
Qua phố quen, sao chân lại lạc đường?

Thế rồi xa, xa hoài, xa mãi,
Phượng bao mùa hoa đỏ mắt rưng rưng
Có nhớ có thương, thôi em đừng ngoái lại
Sóng lở bờ, sông kỷ niệm - sau lưng.

(http://vnthuquan.net/tho/tho.aspx?id=
7541&thisi=Nguy?n%20Vân%20Thiên)



Gai Tre

1.

Đuổi bắt đành thua cuộc bạn bè
giận đường làng sao cứ lắm gai tre
thương em quá chân dài đi cà nhắc
trêu nhau bật cười mà nước mắt rưng rưng
xanh nước sông quê - đò nắng trưa hè
tóc hai đứa vàng hoe
hái phượng bắt ve
tuổi học trò qua đi như lật từng trang vở
trái ổi chín cắn chung nghe ngọt hoài thương nhớ

2.

Tìm nhau một tối băng rào
gai tre cào vai em rách áo
em đứng khóc dưới trăng cho lòng tôi mưa bão
biết tuổi thơ bay xa theo những cánh diều
trò chơi cuối cùng : đuổi bắt tình yêu

3.

Mười mấy năm đi xa
nay trở về làng
thờ thẫn lang thang
giả vờ vô tư như người đi dạo
giật mình ai níu áo
ngoảnh lại nhìn sửng sốt : Nhánh gai tre!

(Trong tập thơ Nguyễn Vân Thiên, “Điếu thuốc, cây nến và que diêm”,
Nxb. Đồng Nai, 1996, tr. 8-9)

(Trong tập: Nhiều tác giả, “Những ngả đường thơ”,
Hội Nhà văn TP.HCM. – Nxb. Trẻ, 2002, tr. 150-151)
(http://www.vietlangdu.com/viewtopic.php?t
=3951&start=0&postdays=0&postorder=
asc&highlight=&sid=293fe73c8e03ef8d0ae9f8377d7cacc3)


Nguyễn Vân Thiên



18 giờ & 21 giờ 40,
thứ bảy (chủ nhật cũ), ngày 25-02 HB7

.